HÀNH TRÌNH “TỪ ÁNH MẮT TỚI TRÁI TIM”
Người ta thường nói con mắt là “cửa sổ tâm hồn”, và ánh mắt là một trong những phương thức giao tiếp “lợi hại” bậc nhất của nhân loại. Ánh mắt không chỉ hỗ trợ cho lời nói, hành động mà trong nhiều tình huống nó còn giúp phá tan khoảng cách và để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng đối phương. Vì ánh mắt không bao giờ nói dối.
Naitei Kiji tuần này xin mời các bạn tham khảo câu chuyện của 2 Naiteisha công ty Directus, Nguyễn Thị Cẩm Ly và Phạm Văn Thanh Bảo, để xem họ chia sẻ về hành trình lấy Naitei cũng như cách họ “eye contact” “chinh phục” công ty và công ty “đốn tim” họ qua “eye contact” như thế nào nhé!!!
1. Trong mắt em, Directus để lại ấn tượng gì?
Thanh Bảo: Điều đặc biệt khiến em nhớ mãi là khả năng giao tiếp bằng mắt (eye contact) của các bác khi trò chuyện, tạo cảm giác chuyên nghiệp nhưng không kém phần gần gũi.
Sau khi gia nhập Directus, em càng cảm nhận rõ hơn sự quan tâm của công ty đối với nhân viên. Công ty không chỉ tạo điều kiện làm việc tốt mà còn hỗ trợ em tham gia các lớp học Kaiwa tiếng Nhật để nâng cao kỹ năng giao tiếp – một điều vô cùng hữu ích cho sự phát triển nghề nghiệp của em.
Cẩm Ly: Trước khi vào Directus, em ấn tượng bởi bề dày kinh nghiệm của công ty trong lĩnh vực marketing và vị thế tiên phong trong martech – một lĩnh vực mà em luôn hướng đến. Sau khi nhận được naitei, em càng ấn tượng hơn về sự gắn kết và tinh thần hỗ trợ lẫn nhau giữa mọi người. Không chỉ có các buổi mendan định kỳ như những công ty khác, tụi em (naitei) còn có cơ hội tham gia zatsudan – nơi mà mọi người có thể trò chuyện thoải mái, giúp đồng nghiệp hiểu nhau hơn, và giúp tụi em nâng cao khả năng kaiwa một cách tự nhiên.
2. Công ty Directus lúc ấy yêu cầu gì ở ứng viên? Và em thấy mình có tố chất nào phù hợp nhất với công ty?
Cẩm Ly: Khi đó, Directus đánh giá ứng viên dựa trên hai tiêu chí chính:
Khả năng giao tiếp (cử chỉ, thái độ)
Sự hứng thú với marketing
Những yếu tố này được xem xét kỹ lưỡng trong quá trình phỏng vấn. Tuy nhiên, điều em cho là quan trọng nhất chính là khả năng giao tiếp bằng ánh mắt (eye contact). Trong suốt buổi phỏng vấn, em luôn duy trì eye contact với các bác, kết hợp với một nụ cười thân thiện. Bên cạnh đó, em cũng thể hiện sự quan tâm đến câu chuyện của mọi người thông qua ánh mắt, nụ cười và những cái gật đầu nhẹ nhàng. Điều này không chỉ giúp tạo cảm giác kết nối mà còn thể hiện sự lắng nghe chân thành – một yếu tố quan trọng trong giao tiếp và xây dựng quan hệ với khách hàng.
Thanh Bảo: Directus có nhiều tiêu chí khi tuyển dụng, nhưng em nhận thấy yếu tố cốt lõi mà công ty đặc biệt quan tâm là khả năng giao tiếp. Vì công việc chính liên quan đến khách hàng, nên việc trao đổi rõ ràng, khéo léo là một lợi thế, cũng là một yêu cầu tiên quyết.
Về tố chất, em tự tin rằng mình có sự thân thiện, vui vẻ, và đặc biệt là khả năng warm-up nhanh chóng trong các cuộc trò chuyện. Những điều này giúp em dễ dàng kết nối với mọi người, tạo ra môi trường làm việc thoải mái và hiệu quả hơn.
3. Khi phỏng vấn các em có run không? Nếu có thì các em đã khắc chế nỗi sợ ấy bằng cách nào?
Thanh Bảo: Dù đã tham gia Job Fair đến 3 lần, nhưng mỗi lần phỏng vấn em vẫn cảm thấy hồi hộp. Tuy nhiên, em nhận ra rằng càng trải nghiệm nhiều, mình càng tiến bộ.
Ví dụ, ở vòng phỏng vấn đầu tiên với Directus, em đã khá run, nhưng các bác trong công ty rất tinh tế, cố gắng tạo không khí thân thiện, chủ động bắt chuyện để giúp em thoải mái hơn. Nhờ điều này, khi bước vào vòng hai, em đã có sự thay đổi đáng kể – em chủ động warm-up hơn (mà thậm chí bản thân không nhận ra). Điều này giúp buổi phỏng vấn diễn ra suôn sẻ và tự nhiên hơn rất nhiều.
Cẩm Ly: Đương nhiên là có ạ. Tuy nhiên, khi nghe các bác nói: "Đây cũng là lần đầu tiên các bác sang Việt Nam phỏng vấn, nên người hồi hộp phải là các bác mới đúng chứ!", em cảm thấy nhẹ nhõm hơn. Lúc đó, em tự nhủ: "Cứ thoải mái, tự tin và là chính mình thôi."
Mỗi khi cảm thấy lúng túng, em sẽ nở một nụ cười tự tin, hít một hơi thật sâu rồi từ tốn suy nghĩ câu trả lời. Nhờ vậy, em dần lấy lại bình tĩnh và buổi phỏng vấn cũng diễn ra suôn sẻ hơn.
4. Em đã tìm hiểu về công ty thông qua những kênh nào?
Cẩm Ly - Thanh Bảo : Để xác định xem bản thân có phù hợp với văn hóa và định hướng của công ty hay không, em đã tìm hiểu qua các nguồn sau:
Phần giới thiệu công ty trên SCP – Đây là nơi cung cấp thông tin tổng quan về công ty, giúp em hiểu rõ hơn về ngành nghề, sứ mệnh và giá trị cốt lõi.
Trang web chính thức của công ty – Em tìm hiểu về các dịch vụ, dự án tiêu biểu, cũng như tầm nhìn và văn hóa doanh nghiệp.
Tham gia buổi giới thiệu công ty – Đây là cơ hội để em lắng nghe trực tiếp từ công ty, hiểu rõ hơn về môi trường làm việc và kỳ vọng đối với ứng viên.
Xem video giới thiệu văn phòng công ty trên YouTube – Giúp em hình dung không gian làm việc, phong cách tổ chức và môi trường thực tế của công ty.
Việc tìm hiểu từ nhiều nguồn khác nhau giúp em có cái nhìn toàn diện hơn, từ đó điều chỉnh SCP cũng như cách thể hiện bản thân trong buổi phỏng vấn sao cho phù hợp nhất.
5. Em đã chỉnh sửa SCP bao nhiêu lần và tổng thời gian khoảng bao lâu?
Thanh Bảo: Em không nhớ chính xác số lần đã chỉnh sửa SCP, nhưng có thể khẳng định là khá nhiều. Quá trình này kéo dài từ tháng 9/2023 đến 3/2024.
Trong thời gian đó, em vừa bận việc học ở trường, vừa ôn thi JLPT N3. Việc đậu vòng hồ sơ lần đầu tiên tại Job Fair là một dấu mốc quan trọng, giúp em có thêm động lực hoàn thiện hơn nội dung SCP của mình.
Cẩm Ly: Em bắt đầu viết SCP vào tháng 2/2024. Trong suốt quá trình từ khi bắt đầu đến lúc đạt naitei vào tháng 7/2024, mỗi tháng em đều cập nhật và chỉnh sửa nội dung để phù hợp hơn với từng vị trí ứng tuyển cũng như đặc điểm của mỗi công ty. Tính đến thời điểm đó, em đã điều chỉnh SCP khoảng 4–5 lần, với tổng thời gian chuẩn bị kéo dài khoảng 6 tháng.
6. Bây giờ nhìn lại, em thấy điểm mấu chốt khi làm SCP là gì?
Cẩm Ly: Điều mấu chốt khi làm SCP là hiểu rõ về công ty và thể hiện được điểm đặc biệt của bản thân.
Trước hết, em cần tìm hiểu kỹ về công ty mà mình hướng đến, bao gồm văn hóa, định hướng phát triển và yêu cầu công việc. Điều này giúp em xác định xem bản thân có phù hợp với công ty không và điều chỉnh nội dung SCP sao cho sát với mong muốn của nhà tuyển dụng.
Bên cạnh đó, SCP cần thể hiện rõ điểm mạnh và giá trị mà em có thể đóng góp, thay vì chỉ liệt kê kinh nghiệm một cách chung chung. Một SCP tốt không chỉ giúp nhà tuyển dụng hiểu em là ai mà còn khiến họ thấy em là một ứng viên tiềm năng, có động lực và sẵn sàng cống hiến.
Thanh Bảo: Theo em, điều quan trọng nhất khi làm SCP là hiểu rõ bản thân và hiểu văn hóa Nhật Bản.
Hiểu bản thân giúp em xác định được điểm mạnh để có thể tự tin PR về mình.
Hiểu văn hóa Nhật giúp em điều chỉnh cách trình bày sao cho phù hợp với tiêu chuẩn tuyển dụng của họ.
7. Em đã chuẩn bị những gì cho việc sang Nhật?
Thanh Bảo: Hiện tại, em vẫn tiếp tục học tiếng Nhật tích cực, vừa luyện Kaiwa, vừa chuẩn bị cho kỳ thi JLPT N2. Ngoài ra, em cũng tìm hiểu thêm về văn hóa làm việc tại Nhật để sẵn sàng thích nghi trong thời gian sắp tới.
Cẩm Ly: Để quá trình sang Nhật diễn ra thuận lợi, em đã chuẩn bị:
Nâng cao năng lực tiếng Nhật: Hiện tại, em đang theo học khóa N2 tại trường để củng cố kiến thức ngôn ngữ và cải thiện kỹ năng đọc hiểu, nghe nói.
Luyện tập giao tiếp thực tế: Mỗi tuần, em đều luyện kaiwa với người Nhật để làm quen với cách diễn đạt tự nhiên, đồng thời rèn phản xạ trong giao tiếp.
Tìm hiểu về môi trường làm việc và cuộc sống tại Nhật: Mỗi tháng, em tham gia zatsudan cùng mọi người trong công ty. Điều này không chỉ giúp em hiểu rõ hơn về văn hóa doanh nghiệp mà còn giúp em chuẩn bị tâm lý, hạn chế cảm giác bỡ ngỡ khi chính thức sang làm việc.
Việc kết hợp cả học tập, thực hành và giao lưu với đồng nghiệp trước khi sang Nhật giúp em tự tin hơn, thích nghi với môi trường mới một cách nhanh chóng.
8. Nếu được gửi gắm một câu cho các đàn em, các em sẽ nói gì?
Cẩm Ly: "There is only one thing that makes a dream impossible to achieve: the fear of failure. - Chỉ có một lý do khiến giấc mơ không thể trở thành sự thực: đó là nỗi sợ thất bại."
Thanh Bảo: "Đừng ngại thử thách, hãy cứ mạnh dạn bước ra khỏi vùng an toàn của mình. Mỗi lần vấp ngã là một lần trưởng thành."
Xin cảm ơn 2 senpai Phạm Văn Thanh Bảo và Nguyễn Thị Cẩm Ly! Cảm ơn 2 em đã chia sẻ những trải nghiệm thực tế, đầy ý nghĩa. Hi vọng câu chuyện sẽ được thêm vào note của nhiều “ai đó”- những người đã và đang đi trên con đường chinh phục Job Fair Sun*. Hãy tận dụng triệt để “vũ khí lợi hại” là ÁNH MẮT, là NỤ CƯỜI, là NHIỆT HUYẾT của tuổi trẻ để chinh phục ngay cả những doanh nghiệp “khíu chọ” nhất nhaaaa các UITer!!!!
MỘT LẦN NỮA CHÚC CHO 2 EM “CHÂN CỨNG ĐÁ MỀM”, TẬN DỤNG TRIỆT ĐỂ VŨ KHÍ “LỢI HẠI” LÀ ÁNH MẮT VÀ NỤ CƯỜI THÂN THIỆN ĐỂ TIẾN LÊN, BỪNG SÁNG TƯƠNG LAI !!!
Tin bài: Phạm Thị Phương Oanh
Nhận xét
Đăng nhận xét